Hoạt động thương mại điện tử là gì? Một số quy định của pháp luật về hoạt động thương mại điện tử được cụ thể hóa như thế nào?
Hoạt động thương mại điện tử là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của hoạt động thương mại điện tử trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như Grab, Uber, Shopee, Lazada,… Chúng mang lại một làn gió mới về phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong thời đại 4.0 hiện nay.
Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử
Khi thiết lập hoạt động thương mại điện tử, chủ thể tham gia có thể lựa chọn thành lập Website thương mại điện tử bán hàng hoặc Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Trong đó:
Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Khoản 2 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
+ Website đấu giá trực tuyến;
+ Website khuyến mại trực tuyến;
+ Sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
Website thương mại điện tử bán hàng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, website thương mại điện tử bán hàng được hiểu là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
Vậy thì những chủ thể nào được thiết lập vè sử dụng các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử? Tất cả được thể hiện rõ theo quy định dưới đây.
Xem thêm: Điều kiện, thủ tục thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
Chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng được phép tham gia hoạt động thương mại điện tử tương đối rộng. Vậy đó là những cá nhân, tổ chức nào? Cụ thể bao gồm 06 nhóm đối tượng được quy định tại Điều 24 Nghị định 52/2014/NĐ-CP:
1. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán).
2. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng).
3. Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng).
4. Các thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ (thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử).
5. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (khách hàng).
6. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.
Xem thêm: Đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Một số quy định của pháp luật về hoạt động thương mại điện tử” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.