Hộ kinh doanh cá thể khác với các loại hình doanh nghiệp khác như thế nào? Nên lựa chọn kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh hay loại hình doanh nghiệp ?
Trước hết, chúng ta cần hiểu khái quát hộ kinh doanh, doanh nghiệp là gì
Theo Khoản 7 Điều 4 luật doanh nghiệp 2014: Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Theo Khoản 1 Điều 66 nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Xem thêm: Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Về chủ thể thành lập
Chủ thể thành lập mỗi loại hình có sự phân biệt rõ ràng.
Đối với doanh nghiệp
Chủ thể được phép thành lập Doanh nghiệp theo Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 là các tổ chức, cá nhân, trừ các trường hợp sau:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ người được cử làm đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Đối với hộ kinh doanh
Chủ thể thành lập hộ kinh doanh theo Quy định tại Khoản 1 Điều 66 nghị định 78/2015/NĐ-CP là cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ.
Như vậy, chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể là cá nhân hoặc tổ chức, còn chủ thể của hộ kinh doanh chỉ là cá nhân, một nhóm người hay một hộ gia đình.
Về quy mô và phạm vi hoạt động
Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động. Hộ kinh doanh chỉ được quyền kinh doanh một ngành, nghề như đã đăng ký và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Không giống như hộ kinh doanh, theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014, Doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành nghề kinh doanh; Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh. Doanh nghiệp được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh và các địa điểm kinh doanh trong quá trình hoạt động của mình ngoài trụ sở chính.
Về tư cách pháp nhân và con dấu
Các loại hình Doanh nghiệp hầu hết đều được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân, trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp có con dấu, được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu không cấm hộ kinh doanh sử dụng con dấu.
Về cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của hộ kinh doanh rất đơn giản, có chủ hộ và các thành viên. Đối với doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức được pháp luật quy định chặt chẽ. Tùy vào loại hình và quy mô doanh nghiệp sẽ có loại hình tổ chức tương ứng. Ví dụ, bạn chọn mô hình là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, cơ cấu bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty.
Về giới hạn trách nhiệm
Cá nhân hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình đăng ký hoạt động hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà pháp luật quy định khác nhau. Nếu doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty Hợp danh thì chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp là Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần, thành viên góp vốn, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp, cổ phần đối với nghĩa vụ của Doanh nghiệp.
Quy định về cấp phép đăng ký thành lập
Doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. Các cá nhân, hộ gia đình khác có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Xem thêm: Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?
Trên đây là phân tích Hộ kinh doanh cá thể khác với các loại hình doanh nghiệp khác như thế nào. Nếu muốn thành lập hộ kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp, hãy liên hệ với LawKey để được tư vấn miễn phí.