Thành viên hợp danh là gì theo quy định pháp luật ? Quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên hợp danh mà chúng ta cần phải biết khi thành lập loại hình này.
Căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2014, Luật Sư Thủ Đô xin đưa ra tư vấn về vấn đề này như sau:
Thành viên hợp danh là gì
Thành viên hợp danh là các đồng chủ sở hữu công ty hợp danh và phải có số lượng ít nhất là 2 thành viên. Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm với công ty bằng toàn bộ tài sản của mình. Các thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thành viên hợp danh trong công ty thường gần gũi có mối quan hệ mật thiết với nhau về mặt nhân thân và có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp nhất định.
Như vậy, thành viên hợp danh là nhân tố quan trọng để thành lập và vận hành công ty hợp danh. Việc thay đổi thành viên hợp danh như trường hợp họ chết, mất năng lực hành vi dân sự hay rút vốn khỏi công ty sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu vốn, hoạt động tổ chức, thậm chí là đến nguy cơ tồn tại chấm dứt của công ty.
Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty hợp danh
Quyền của thành viên hợp danh
Quyền lợi của thành viên hợp danh bao gồm: Lợi ích kinh tế, quyền quản lý công ty…
Quyền lợi kinh tế
+ Yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong thẩm quyền nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót cá nhân của chính thành viên đó;
+ Được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty;
+ Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia một phần giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác;
Quyền quản lý, thông tin và các quyền khác
+ Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty. Mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty.
+ Nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty.
+ Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành nghề kinh doanh của công ty. Trường hợp ứng trước tiền của mình để thực hiện công việc kinh doanh của công ty thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước;
+ Yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty. Được quyền kiểm tra tài sản, sổ kế toán, báo cáo thuế và các tài liệu khác của công ty khi xét thấy cần thiết;
+ Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;
+ Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
> Xem thêm: Điều kiện trở thành thành viên hợp danh
Quyền góp vốn thành lập công ty TNHH của thành viên hợp danh
Nghĩa vụ của thành viên hợp danh
Bên cạnh quyền là các nghĩa vụ mà thành viên hợp danh phải thực hiện.
Nghĩa vụ quản lý
+ Tiến hành quản lý và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty;
+ Tiến hành quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng thành viên; nếu làm trái quy định tại điểm này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
Nghĩa vụ tài chính
+ Hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra đối với công ty trong trường hợp nhân danh công ty, nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh của công ty mà không đem nộp cho công ty;
+ Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;
+ Chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;
Nghĩa vụ khác
+ Không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
+ Định kỳ hàng tháng báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản tình hình và kết quả kinh doanh của mình với công ty; cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của mình cho thành viên có yêu cầu;
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
> Xem thêm: So sánh công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh
Trên đây là nội dung quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh LawKey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với LawKey để được tư vấn dịch vụ thay đổi thành viên hợp danh.