QUYỀN TỰ DO KINH DOANH XUẤT KHẨU – NHẬP KHẨU CỦA DOANH NGHIỆP
Luật doanh nghiệp 2005 trước đây và Luật doanh nghiệp 2014 đều quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm và quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Tuy nhiên, quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp là quyền tự do đương nhiên được pháp luật thừa nhận hay doanh nghiệp khi kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phải được cấp phép, phải đăng ký ngành nghề kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu trước khi thực hiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu?
Đây là thắc mắc và băn khoan không chỉ của các doanh nghiệp mới thành lập mà cả các doanh nghiệp đã hoạt động có thâm niên nhiều năm nhưng chưa từng thực hiện quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của mình được luật định.
1. Hoạt động kinh doanh xuất khẩu – nhập khẩu là gì?
Kinh doanh Xuất khẩu, Nhập khẩu là hai hình thức trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế (Hoạt động ngoại thương). Theo quy định tại Điều 28 Luật Thương mại 2005:
Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp
** Quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP
Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp được quy định tại Điều 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.
2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:
Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, khi xuất khẩu, nhập khẩu, ngoài việc thực hiện quy định của Nghị định này, thương nhân phải thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó.
Điều 4 Nghị định 187/2013/NĐ-CP nêu trên cũng quy định: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ, ngành liên quan.
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.
Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, chỉ phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.
** Quy định tại Luật Quản lý ngoại thương 2017 (Có hiệu lực từ ngàu 01/01/2018)
Kế thừa và phát triển quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp tại Luật thương mại 2005 và Nghị định 187/2013/NĐ-CP (đang có hiệu lực), Luật Quản lý ngoại thương 2017 (Có hiệu lực từ ngàu 01/01/2018) đã ghi nhận rõ kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu là quyền tự do của thương nhân tại Điều 5 Luật quản lý ngoại thương 2017. Cụ thể như sau:
1. Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
b) Thương nhân khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép, theo điều kiện phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, điều kiện;
c) Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
2. Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như sau:
a) Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bộ Công Thương công bố Danh mục hàng hóa, lộ trình thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Thực hiện quyền xuất khẩu thông qua mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu;
c) Thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
3. Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được quy định, công bố chi tiết tương ứng với phân loại hàng hóa của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo quy định của pháp luật về hải quan.
** Như vậy, theo các quy định của pháp luật dẫn chiếu ở trên có thể kết luận:
1 – Xuất khẩu, nhập khẩu không phải là ngành nghề kinh doanh mà là quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Khi đăng ký doanh nghiệp hay đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong thực tế, với kinh nghiệm của LawKey trong quá trình tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến nội dung đăng ký cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, Doanh nghiệp chỉ cần kê khai trong phần đăng ký thông tin đăng ký thuế là có hoạt động “Xuất nhập khẩu” tại Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2 – Doanh nghiệp bị cấm kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu do Chính phủ ban hành tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP (đang có hiệu lực) và Luật Quản lý ngoại thương 2017 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) trừ trường hợp thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Do đó, khi thực hiện quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của mình doanh nghiệp cần đối chiếu hàng hóa dự định kinh doanh với Danh mục cấm, tạm ngừng nhập khẩu, xuất khẩu do Chính phủ ban hành.
3 – Doanh nghiệp khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện do Chính Phủ ban hành phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, điều kiện;
Trên đây là quy định của pháp luật về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc còn vướng mắc, băn khoăn hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website hoặc dưới đây để được giải đáp:
Điện thoại: (024) 665.65.366 Hotline: 0967.59.1128
Email: contact@lawkey.vn Facebook: LawKey