Tách doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Dưới đây là một số điều cần biết khi tiến hành thủ tục tách doanh nghiệp.
Tách doanh nghiệp là gì?
Tách doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp.
Theo đó, một doanh nghiệp (doanh nghiệp bị tách) có thể sử dụng một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ hiện có để tách thành một hay nhiều doanh nghiệp mới (doanh nghiệp được tách) nhưng không chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.
Xem thêm: Thủ tục tách doanh nghiệp theo quy định mới nhất
Loại hình doanh nghiệp có thể tách doanh nghiệp
Không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng được phép thực hiện hoạt động tách doanh nghiệp do tính chất chịu trách nhiệm với tài sản của doanh nghiệp là khác nhau.
Theo Khoản 1 Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ có công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn được thực hiện hoạt động này. Các loại hình doanh nghiệp khác như: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh không thể tách doanh nghiệp. Bởi lẽ:
– Đối với doanh nghiệp tư nhân: Chủ sở hữu doanh nghiệp tự làm chủ và tự chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ sở hữu không tách bạch, nói cách khác tài sản của doanh nghiệp tư nhân thực chất là tài sản của chủ sở hữu. Vì thế, ngoài việc chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp tư nhân không có đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động tổ chức lại như chia, tách, sáp nhập.
– Đối với công ty hợp danh, các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn đối với tài sản công ty bằng toàn bộ tài sản của mình. Nếu tách công ty, giới hạn về trách nhiệm của thành viên hợp danh sẽ bị thay đổi bản chất, không còn là đặc trưng của công ty hợp danh với chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh nữa. Do vậy, không thể thực hiện việc tách công ty hợp danh.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp tách doanh nghiệp
Doanh nghiệp thực hiện việc tách doanh nghiệp thì cần thiết phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
– Gửi Nghị quyết tách doanh nghiệp cho tất cả chủ nợ và người lao động về việc tách doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết tách doanh nghiệp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần hoặc Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
– Doanh nghiệp bị tách và doanh nghiệp được tách phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ, hợp đồng lao động, nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị tách, doanh nghiệp mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của doanh nghiệp bị tách có thỏa thuận khác.
– Sau khi tách, doanh nghiệp bị tách chắc chắn giảm vốn điều lệ. Vì vậy, doanh nghiệp bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ. Đồng thời, thay đổi số lượng cổ phần của doanh nghiệp đối với công ty cổ phần; số lượng thành viên tương ứng với phần vốn góp và số lượng thành viên giảm xuống đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
– Đăng ký thành lập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới hình thành sau tách doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tách thành lập theo loại hình doanh nghiệp nào thì thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp theo loại hình đó.
Vấn đề về thuế khi tách doanh nghiệp
– Theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Thông tư 156/2013/TT-BTC, trước khi tách doanh nghiệp, doanh nghiệp bị tách phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của mình. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi tách doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị tách và doanh nghiệp mới được tách sẽ cùng có trách nhiệm nộp phần thuế mà doanh nghiệp bị tách chưa nộp.
– Bên cạnh đó, doanh nghiệp bị tách nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết theo quy định tại Khoản 3.5 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn về các trường hợp hoàn thuế GTGT.
Xem thêm: Thủ tục sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Một số điều cần biết khi tiến hành thủ tục tách doanh nghiệp” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.