Thủ tục đăng ký đổi tên doanh nghiệp được thực hiện như thế nào? Hãy cùng Luật Sư Thủ Đô tìm hiểu qua bài viết sau
1. Điều kiện đăng ký đổi tên doanh nghiệp
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 37, 38, 39 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ (có đầy đủ giấy tờ như đã nêu tại Thành phần hồ sơ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật)
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí
- Doanh nghiệp không được thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
+ Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
+ Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp
+ Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc cơ quan công an
- Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
- Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
2. Thành phần hồ sơ đăng ký đổi tên doanh nghiệp
Hồ sơ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên)
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần)
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của các thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh)
- Quyết định của chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên)
Lưu ý: Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty
3. Trình tự đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp
Doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Nội dung Thông báo gồm:
– Tên hiện tại, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
– Tên dự kiến thay đổi;
– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Xem thêm: Thủ tục thay đổi tên công ty Hồ sơ thay đổi tên doanh nghiệp như thế nào
Trên đây là nội dung bài viết Thủ tục đăng ký đổi tên doanh nghiệp mới nhất. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Luật Sư Thủ Đô để được giải đáp chi tiết.