Phòng vệ thương mại có mục đích nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Pháp luật quy định như thế nào về việc miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại? Luật Sư Thủ Đô xin chia sẻ với bạn đọc thủ tục thực hiện như sau:
1. Điều kiện thực hiện miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
- Hàng hoá trong nước không sản xuất được
- Hàng hoá có đặc điểm khác biệt với hàng hoá sản xuất trong nước mà hàng hoá sản xuất trong nước đó không thể thay thế được
- Hàng hoá là sản phẩm đặc biệt của hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước
- Hàng hoá tương tượng, hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường
- Hàng hoá tương tự, hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước
- Hàng hoá nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 10 Thông tư số 37/2019/TT-BTC phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.
Những loại hàng hoá đủ điều kiện miễn trừ được Cơ quan điều tra (Cục phòng vệ thương mại) công bố trong Thông báo tiếp nhận hồ sơ miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại.
2. Hồ sơ yêu cầu bao gồm:
- Đơn đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp
- Thông tin mô tả về hàng hoá nhập khẩu đề nghị miễn trừ, bao gồm: tên khoa học, tên thương mại, tên thường gọi; các đặc tính vật lý, hoá học cơ bản; mục đích sử dụng chính; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam; mã số hàng hoá theo danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
- Thông tin về khối lượng, số lượng và trị giá nhập khẩu hàng hoá đề nghị miễn trừ (thông thường trong 03 năm gần nhất và năm hiện tại)
- Quy trình sản xuất sảm phẩm sử dụng nguyên liệu đầu vào là hàng hoá đề nghị miễn trừ (nếu có)
- Nhu cầu tiêu thụ hoặc sử dụng hàng hoá nhập khẩu đề nghị miễn trừ (thông thường 03 năm gần nhất và năm hiện tại)
- Định mức tiêu hao hoặc đính mức sử dụng nguyên vật liệu là hàng hoá nhập khẩu đề nghị miễn trừ
- Văn bản, tài liệu hoặc mẫu mã chứng minh sự khác biệt giữa hàng hoá đề nghị miễn trừ và hàng hoá nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
- Thông tin về cơ sở, dây chuyền sản xuất và sản lượng sản xuất hàng hoá đề nghị miễn trừ trong 03 năm gần nhất và năm hiện tại
- Tài liệu chứng minh về nhu cầu sử dụng hàng hoá đề nghị miễn trừ, bao gồm: hợp đồng ký kết với khách hàng, phê duyệt các dự án đang triển khai hoặc các tài liệu có liên quan
3. Trình tự thực hiện
Vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm, Cơ quan điều tra sẽ ra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ miễn trừ.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra thông báo việc tiếp nhận hồ sơ miễn trừ, tổ chức, cá nhân nộp trực tuyến 01 bộ hồ sơ đề nghị.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ miễn trừ, Cơ quan điều tra phòng vệ thương mại thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ
- Trong trường hợp hồ sơ miễn trừ chưa đầy đủ và hợp lệ, Cơ quan điều tra thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để bổ sung
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu bổ sung của Cơ quan điều tra, các đối tượng đề nghị miễn trừ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác những nội dung được yêu cầu bổ sung
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ miễn trừ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công Thương xem xét ra Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trong trường hợp không miễn trừ, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân về lý do không miễn trừ.
- Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ miễn trừ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và công khai quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, trang thông tin điện tử của Cơ quan điều tra
Xem thêm: Biện pháp phòng vệ thương mại được pháp luật quy định như nào?
So sánh các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế
Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công thương theo quy định pháp luật
Trên đây là nội dung bài viết Thủ tục đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Luật Sư Thủ Đô để được giải đáp chi tiết.