Doanh nghiệp chấm dứt tồn tại trong trường hợp nào?

Nhằm bảo vệ lợi ích chung của nền kinh tế, pháp luật đã đưa ra những quy định rất rõ ràng về việc chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể chấm dứt tồn tại (hoặc bị buộc chấm dứt trong một số trường hợp) theo các phương thức: chuyển đổi hình thức doanh nghiệp; chia, hợp nhất, sáp nhập; giải thể, phá sản. Dưới đây là các quy định của pháp luật về chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp trong từng trường hợp cụ thể:


1. Khi chuyển đổi hình thức doanh nghiệp

Chuyển đổi hình thức doanh nghiệp có thể hiểu là việc thay đổi hình thức tổ chức, cơ cấu doanh nghiệp từ loại hình này sang loại hình khác theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, có 3 phương thức chuyển đổi trong hình thức này:

– Chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoặc hai thành viên trở lên và ngược lại;

– Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm một thành viên, và ngược lại;

– Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc từ hai đến năm mươi thành viên.

Như vậy, việc chuyển đổi sẽ làm cho doanh nghiệp bị chuyển đổi sẽ chấm dứt sự tồn tại về mặt pháp lý. Tuy nhiên doanh nghiệp đó vẫn hoạt động nhưng lại dưới một hình thức khác. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản nợ, nghĩa vụ, cũng như quyền lợi của doanh nghiệp cũ đều được chuyển sang cho doanh nghiệp mới.

2. Khi chia, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

– Trường hợp chia doanh nghiệp: 

Khoản 1 Điều 192 Luật doanh nghiệp 2014 nêu rõ: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Như vậy, doanh nghiệp bị chia sẽ chấm dứt tồn tại, còn các nghĩa vụ và quyền lợi của nó sẽ được chuyển qua cho các công ty được thành lập từ việc chia doanh nghiệp này.

Các công ty mới này phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia; hoặc thoả thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động.

– Trường hợp hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp:

  • Theo Khoản 1 Điều 194 Luật Doanh nghiệp 2014: Hợp nhất doanh nghiệp là hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
  • Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2014: Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Như vậy, hai hình thức hợp nhất và sáp nhập đều làm chấm dứt sự tồn tại của công ty cũ. Tuy nhiên hơi khác so với hình thức hợp nhất, sáp nhập là việc các doanh nghiệp chuyển quyền và nghĩa vụ của mình vào doanh nghiệp nhận sáp nhập. Không có doanh nghiệp mới được sinh ra và các doanh nghiệp tham gia sáp nhập sẽ chấm dứt hoạt động.

3. Khi doanh nghiệp giải thể

Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

  • Doanh nghiệp chủ động nộp đơn cho Cơ quan có thẩm quyền và xin phép được giải thể trong các trường hợp:

+ Đối với doanh nghiệp tư nhân: Theo quyết định của chủ doanh nghiệp;

+ Đối với công ty hợp danh: Sự đồng thuận của tất cả thành viên;

+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn:  Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty được quyền quyết định việc giải thể công ty;

+ Đối với công ty cổ phần: chủ thể được quyền quyết định việc giải thể của công ty sẽ là Đại hội đồng cổ đông.

  • Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc các doanh nghiệp phải giải thể:

+ Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

+ Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

+ Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục giải thể, doanh nghiệp sẽ hoàn toàn chấm dứt tồn tại và hoạt động; và không có một doanh nghiệp mới nào tiếp tục thừa hưởng quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đó nữa.

Do đặc điểm này, điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành và hoàn tất thủ tục giải thể đó là doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.

4. Khi doanh nghiệp phá sản theo Luật phá sản năm 2014

Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Phá sản là một thủ tục tư pháp được thực hiện nhằm giải quyết tình trạng không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp. Để tiến hành thủ tục phá sản, trước hết chủ thể phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản sẽ được xem xét áp dụng biện pháp phục hồi, với điều kiện là Hội nghị chủ nợ phải đồng ý và doanh nghiệp phải xây dựng được một phương án kinh doanh mới hiệu quả, khả thi. Nếu xét thấy không thể phục hồi được doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện thủ tục thanh lý và chính thức chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp tại thời điểm này.

Trên đây là các trường hợp doanh nghiệp chấm dứt tồn tại theo quy định của pháp luật, nếu có thắc mắc liên hệ Luật Sư Thủ Đô để được giải đáp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button