Sau thời gian hoạt động, doanh nghiệp có xu hướng mở rộng kinh doanh. Vậy chi nhánh và địa điểm kinh doanh khác nhau như thế nào? Doanh nghiệp cần thấy được sự khác nhau của chúng để có thể chọn lựa một cách tối ưu nhất.
Khái niệm
Theo quy định tại khoản 1 điều 45 luật doanh nghiệp năm 2014 thì chi nhánh được định nghĩa như sau: “Chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”
Theo quy định tại khoản 3 điều 45 luật doanh nghiệp năm 2014 thì “Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể”
Điểm giống nhau
– Chi nhánh và địa điểm kinh doanh đề là đơn vị phụ thuộc của một doanh nghiệp, nằm trong tổ chức hoạt động của một doanh nghiệp do đó không có tư cách pháp nhân.
– Chi nhánh và địa điểm kinh doanh hoạt động nhân danh chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức
– Số lượng được lập dù là chi nhánh hay văn phòng đại diện cũng không hạn chế.
Điểm khác nhau
Phạm vi thành lập
– Chi nhánh:
+ Có thể được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
– Địa điểm kinh doanh:
+ Chỉ được thành lập tại cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
Quy định về con dấu
– Chi nhánh:
+ Được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng của mình.
+ Hội đồng quản trị quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của chi nhánh; trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nội dung mẫu con dấu của chi nhánh phải có tên chi nhánh.
+ Trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của chi nhánh thì công ty phải thực hiện thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Địa điểm kinh doanh:
+ Không được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng.
Tổ chức hạch toán, kế toán và kê khai thuế
– Chi nhánh:
+ Có thể lựa chọn hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập với doanh nghiệp. Do đó, chi nhánh có thể có mã số thuế riêng, hóa đơn riêng trong trường hợp lựa chọn hạch toán độc lập.
– Địa điểm kinh doanh:
+ Hoàn toàn phụ thuộc và trụ sở chính, hình thức kê khai thuế tập trung, sử dụng hóa đơn của công ty
Cơ cấu tổ chức và hoạt động
– Chi nhánh:
+ Thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động kinh doanh và chức năng đại diện theo ủy quyền. Chính vì vậy, chi nhánh phát sinh thêm hoạt động báo cáo thuế như công ty (trừ chi nhánh phụ thuộc không phải lập báo cáo tài chính công ty cuối năm).
– Địa điểm kinh doanh:
+ Chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh do doanh nghiệp chỉ đạo, không có chức năng đại diện theo ủy quyền.
+ Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể, không có các chức năng khác.
Ngoài ra, thủ tục đăng ký thành lập chi nhánh và của địa điểm kinh doanh cũng khác nhau, theo quy định của Nghị định 78/2015/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan về đăng ký doanh nghiệp.
>> Xem thêm: Dịch vụ thành lập chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam
Trên đây là tư vấn của LAWKEY về sự khác biệt giữa chi nhánh và địa điểm kinh doanh. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.