Trên thực tế, có rất nhiều nhầm lẫn về đặc điểm cũng như hoạt động của hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Vậy khái niệm và đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh là gì?
Căn cứ vào Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, Luật Sư Thủ Đô xin đưa ra tư vấn về vấn đề này như sau:
Khái niệm
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm là các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
>> Xem thêm: Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Đặc điểm pháp lý
Đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh cụ thể gồm những đặc điểm chính sau:
Hộ kinh doanh do một cá nhân, một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ
Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc sở hữu của một chủ là cá nhân và cá nhân chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc sở hữu của nhiều chủ. Hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh do các thành viên trong nhóm hoặc các thành viên trong hộ gia đình quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người đại diện cho nhóm hoặc cho hộ để tham gia giao dịch với bên ngoài.
Hộ kinh doanh thường kinh doanh với quy mô nhỏ
Hộ kinh doanh có một địa điểm kinh doanh, sử dụng không quá 10 lao động. Khác với doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài trụ sở chính có thể mở các chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh và nhà nước khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Hộ kinh doanh hoạt động thường xuyên và có thu nhập chính từ hoạt động kinh doanh. Kinh doanh vẫn là nghề nghiệp chính của hộ kinh doanh nên hộ kinh doanh vẫn phải tiến hành đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Đặc điểm này khác so với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp vì những ngành nghề này hoạt động không thường xuyên và không phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện.
>> Xem thêm: Hộ kinh doanh cá thể khác với các loại hình doanh nghiệp khác như thế nào?
Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh
Bản chất của trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của hộ kinh doanh cũng giống như trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN: nếu tài sản kinh doanh không đủ để trả nợ thì hộ kinh doanh phải lấy cả tài sản không đầu tư vào hộ kinh doanh để trả nợ.
Tuy nhiên khác với DNTN, trách nhiệm vô hạn của hộ kinh doanh có sự phân tán rủi ro cho nhiều thành viên trong trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ.
Nếu hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ thì tất cả các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của hộ kinh doanh. Nếu hộ kinh doanh do một hộ gia đình làm chủ thì tất cả các thành viên trong hộ gia đình phải liên đới chịu trách nhiệm. Khi tài sản chung không đủ để trả nợ thì các thành viên của hộ gia đình phải lấy cả tài sản riêng của mình để trả nợ và phải trả cho các thành viên khác của hộ gia đình (trách nhiệm liên đới).
>> Xem thêm: Một số quy định về thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm và đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh của Công ty TNHH LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc còn vướng mắc, băn khoăn hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website hoặc dưới đây để được giải đáp:
Điện thoại: (024) 665.65.366 Hotline: 0967.59.1128
Email: contact@lawkey.vn Facebook: LawKey