Cơ cấu tổ chức, điều hành và quản lý trong doanh nghiệp nhà nước

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp nhà nước như thế nào ? Công tác điều hành quản lý trong doanh nghiệp nhà nước có những đặc điểm gì ?

Doanh nghiệp nhà nước là gì 

Doanh nghiệp nhà nước được định nghĩa tại Điều 1 Luật doanh nghiệp nhà nước (nay đã hết hiệu lực) “là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”.

Luật doanh nghiệp 2005 được Quốc hội nước Việt Nam ban hành ngày 29/11/2005 thay thế Luật doanh nghiệp nhà nước, đã thay đổi khái niệm về Doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, khoản 22 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2005 định nghĩa “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Tại Luật này cũng quy định chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Như vậy, định nghĩa chi tiết hơn về khái niệm Doanh nghiệp nhà nước theo Luật doanh nghiệp 2005 nên được hiểu là doanh nghiệp trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc Công ty Cổ phần.

Còn hiện nay, theo Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp nhà nước được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý dưới hình thức công ty tnhh một thành viên theo một trong hai mô hình sau:

– Mô hình 1: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

– Mô hình 2: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

Doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo cơ cấu công ty mẹ – công ty con, công ty độc lập không thuộc cơ cấu công ty mẹ – công ty con (sau đây gọi chung là tập đoàn, tổng công ty, công ty) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập.

Như vậy, cùng với việc ban hành các Văn bản pháp luật mới thay thế, điều chỉnh về doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước đã thay đổi khái niệm về Doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp dần phạm vi đối tượng doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là xu hướng tất yếu của nền kinh tế, chính trị khi nền kinh tế Việt Nam theo Hiến pháp 2013 là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành, tổ chức doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức, quản lý, điều hành phụ thuộc vào mô hình tổ chức quản lý cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn:

– Mô hình tổ chức: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

– Mô hình tổ chức: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

Người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước

Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm vào Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Tùy thuộc vào mô hình tổ chức doanh nghiệp nhà nước do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định, doanh nghiệp nhà nước có một người đại diện chủ sở hữu trực tiếp (Chủ tịch công ty) hoặc nhiều người đại diện chủ sở hữu trực tiếp và được tổ chức thành Hội đồng thành viên của công ty (bao gồm: Chủ tịch hội đồng thành viên và các thành viên).

Quyền, trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp được quy định tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 và Luật doanh nghiệp 2014, cụ thể như sau:

Quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty

– Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Hội đồng thành viên đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên.

– Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt về các nội dung sau đây:

+ Chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp;

+ Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc;

+ Huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp theo quy định tại các điều 23, 24, 28 và 29 của Luật này;

+ Góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

+ Tiếp nhận công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên thành công ty con, công ty liên kết của doanh nghiệp;

+ Báo cáo tài chính; phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của doanh nghiệp.

–  Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định về các nội dung sau đây:

+ Quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp;

+ Tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác đối với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, các chức danh khác do Hội đồng thành viên bổ nhiệm;

+ Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác đối với Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng;

+ Quyết định hoặc ủy quyền cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quyết định phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định thuộc thẩm quyền.

– Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quản lý, điều hành doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

– Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quản lý, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn; báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu khi doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không bảo đảm khả năng thanh toán, không hoàn thành nhiệm vụ được giao và những trường hợp sai phạm khác.

– Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm gây tổn thất vốn, tài sản của doanh nghiệp.

–  Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc;

– Quyết định chủ trương phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ của công ty;

– Tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ và quyết định thành lập đơn vị kiểm toán nội bộ của công ty.

–  Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Quyền hạn, trách nhiệm của thành viên hội đồng thành viên

Chủ tịch Hội đồng thành viên

– Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng quý và hằng năm của Hội đồng thành viên;

– Chuẩn bị chương trình, tài liệu cuộc họp hoặc lấy ý kiến Hội đồng thành viên;

– Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;

– Tổ chức thực hiện các nghị quyết của cơ quan đại diện chủ sở hữu và nghị quyết Hội đồng thành viên;

– Tổ chức giám sát, trực tiếp giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của công ty, kết quả quản lý điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;

– Tổ chức công bố, công khai thông tin về công ty theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực và tính hệ thống của thông tin được công bố;

– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Quyền và nghĩa vụ của các thành viên khác của Hội đồng thành viên

– Tham dự cuộc họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên.

– Kiểm tra, xem xét, tra cứu, sao chép hoặc trích lục sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm, sổ biên bản họp Hội đồng thành viên, các giấy tờ và tài liệu khác của công ty.

– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.

– Trường hợp phát hiện thành viên Hội đồng thành viên có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao thì thành viên khác của Hội đồng thành viên có nghĩa vụ báo cáo bằng văn bản với cơ quan đại diện chủ sở hữu; yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

Người điều hành hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp nhà nước

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm vụ điều hành các hoạt động hằng ngày của công ty và có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, phương án kinh doanh, kế hoạch đầu tư của công ty;

– Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các quyết định của Chủ tịch công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty;

– Quyết định các công việc hằng ngày của công ty;

– Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty đã được Chủ tịch công ty chấp thuận;

– Ký hợp đồng, thỏa thuận nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty;

– Bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng đối với các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty;

– Tuyển dụng lao động;

– Lập và trình Chủ tịch công ty báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch kinh doanh, và báo cáo tài chính hằng năm;

– Kiến nghị phương án tổ chức lại công ty, khi xét thấy cần thiết;

– Kiến nghị phân bổ và sử dụng lợi nhuận sau thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;

– Quyết định phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty khi được chủ tịch công ty Quyết định phân cấp hoặc hoặc ủy quyền;

– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Ban kiểm soát – Kiểm soát viên

Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 Kiểm soát viên.

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước thành lập Ban kiểm soát

Ban kiểm soát có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Giám sát việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh, thực hiện các mục tiêu chiến lược và mục tiêu kế hoạch của công ty;

– Giám sát và đánh giá việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên và Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;

– Giám sát và đánh giá hiệu lực và mức độ tuân thủ quy chế kiểm toán nội bộ, quy chế quản lý và phòng ngừa rủi ro, quy chế báo cáo và các quy chế quản trị nội bộ khác của công ty;

– Giám sát tính hợp pháp, tính hệ thống và trung thực trong công tác kế toán, sổ kế toán thuế, trong nội dung báo cáo tài chính, các phụ lục và tài liệu liên quan;

– Giám sát các giao dịch của công ty với các bên có liên quan;

– Giám sát thực hiện các dự án đầu tư lớn, giao dịch mua, bán và giao dịch kinh doanh khác có quy mô lớn hoặc giao dịch kinh doanh bất thường của công ty;

– Lập và gửi báo cáo đánh giá, kiến nghị về các nội dung quy định trên cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên;

– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc quy định tại Điều lệ công ty.

Quyền chung của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên

– Tham gia các cuộc họp của Hội đồng thành viên, các cuộc tham vấn và trao đổi chính thức và không chính thức của cơ quan đại diện chủ sở hữu với Hội đồng thành viên; có quyền chất vấn Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty về các kế hoạch, dự án hay chương trình đầu tư phát triển và các quyết định khác trong quản lý điều hành công ty.

– Xem xét sổ sách kế toán, báo cáo, hợp đồng, giao dịch và tài liệu khác của công ty; kiểm tra công việc quản lý điều hành của Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

– Xem xét, đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty, thực trạng vận hành và hiệu lực các quy chế quản trị nội bộ công ty.

– Yêu cầu thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và những người quản lý khác báo cáo, cung cấp thông tin về bất cứ việc gì trong phạm vi quản lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty.

– Yêu cầu những người quản lý công ty báo cáo về thực trạng tài chính, thực trạng và kết quả kinh doanh của công ty con khi xét thấy cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

– Trường hợp phát hiện có thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và những người quản lý khác làm trái các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ hoặc có nguy cơ làm trái các quy định đó; hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm trái các quy định về quản lý kinh tế, trái quy định Điều lệ công ty hoặc các quy chế quản trị nội bộ công ty phải báo cáo ngay cho cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty, các thành viên khác của Ban kiểm soát và cá nhân có liên quan.

– Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tham mưu và trực tiếp hỗ trợ Ban kiểm soát thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.

– Thực hiện các quyền khác quy định tại Điều lệ công ty.

Trên đây là một số quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức, quản lý và điều hành Doanh nghiệp nhà nước LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website để được giải đáp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button