Đăng ký dấu nghiệp vụ giám định thương mại

Để thực hiện cho hoạt động xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, kết quả cung ứng dịch vụ thì cần phải có nghiệp vụ giám định thương mại. Pháp luật quy định như nào về điều kiện và thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ này?

Căn cứ pháp lý

– Luật thương mại năm 2005;

– Nghị định 20/2006/NĐ-CP;

– Nghị định 125/2014/NĐ-CP;

– Thông tư số 01/2015/TT-BCT;

Điều kiện kinh doanh

Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.

Căn cứ theo Luật thương mại 2005 quy định, chỉ các thương nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định.

Thương nhân cần đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định thương mại sau đây:

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

– Có giám định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định:

+ Có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định;

+ Có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn;

+ Có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hóa, dịch vụ

– Có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hóa, dịch vụ đó.

Trình tự thực hiện

Bước 1: Sở Công Thương tiếp nhận Hồ sơ đề nghị đăng ký dấu nghiệp vụ từ các thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan

Bước 2: Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận bộ hồ sơ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho thương nhân yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ

Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ có trách nhiệm đăng ký dấu nghiệp vụ sử dụng trong chứng thư giám định của thương nhân vào Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ và thông báo đăng ký dấu nghiệp vụ giám định cho thương nhân bằng văn bản.

Hồ sơ thực hiện

– Bản chính Đơn đăng ký dấu nghiệp vụ thực hiện theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BCT

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong các trường hợp sau

+ Bản sao có chứng thực đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện

+ Bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp

– Các mẫu dấu nghiệp vụ hoặc bản thiết kế các mẫu dấu nghiệp vụ mà thương nhân đăng ký

Trường hợp thủ tục hành chính có áp dụng nộp hồ sơ qua mạng điện tử thì thương nhân gửi bản scan từ bản gốc các giấy tờ quy định. Hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ nộp tại  Sở Công Thương tại nơi doanh nghiệp của bạn đăng ký kinh doanh.

Thời hạn giải quyết

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ sẽ đăng ký dấu nghiệp vụ sử dụng trong chứng thư giám định của bạn vào Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ và thông báo đăng ký dấu nghiệp vụ giám định cho bạn bằng văn bản.

>> Xem thêm: Các hoạt động quảng cáo thương mại bị cấm thực hiện

Trên đây là tư vấn của LAWKEY. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button