Phân biệt chuyển nhượng cổ phần và yêu cầu mua lại cổ phần của công ty cổ phần. Thủ tục và hậu quả pháp lý từng loại.
Chuyển nhượng cổ phần và yêu cầu mua lại cổ phần
Để trở thành cổ đông của Công ty Cổ phần, cá nhân, tổ chức phải sở hữu ít nhất một cổ phần của Công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tồn tại của doanh nghiệp, do nhu cầu đầu tư hoặc có những mẫu thuẫn nảy sinh dẫn đến Cổ đông không còn nhu cầu nắm giữ một phần hay toàn bộ số cổ phẩn của mình nữa. Khi đó, cổ đông có thể lựa chọn hình thức Chuyển nhượng lại cổ phần cho người khác hoặc yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.
Về bản chất, chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần đều là quan hệ mua bán, làm chuyển dịch quyền sở hữu cổ phần của cổ đông sang cho một bên khác.
Xem thêm: Thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập
Khác nhau giữa chuyển nhượng cổ phần và yêu cầu mua lại cổ phần
Hai hình thức này có những đặc điểm riêng và khác biệt như sau:
Về chủ thể của giao dịch
Chủ thể của giao dịch chuyển nhượng
Bên chuyển nhượng là Cổ đông sở hữu cổ phần, trừ các trường hợp hạn chế sau:
– Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác (khoản 3 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2020).
– Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp).
– Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần và các quy định này được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng (căn cứ khoản 1 Điều 127 Luật doanh nghiệp 2020).
Bên nhận chuyển nhượng là bất cứ cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu, trừ trường hợp hạn chế quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp hoặc hạn chế được quy định tại Điều lệ công ty và được ghi rõ trên cổ phiếu của cổ phần chuyển nhượng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 120, Bên nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông sang lập phải đáp ứng một trong các điều kiện như sau:
– Là cổ đông sáng lập;
– Người không phải là cổ đông sáng lập nhưng đã có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông cho phép Cổ đông sáng lập chuyển nhượng.
Chủ thể của giao dịch yêu cầu công ty mua lại cổ phần
Bên yêu cầu: Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty.
Bên mua: Chính Công ty mà Cổ đông nắm giữ cổ phần nếu với điều kiện ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác (quy định tại khoản 1 Điều 131 Luật doanh nghiệp).
Yêu cầu hình thức, thủ tục tiến hành giao dịch
Hình thức và thủ tục tiến hành giao dịch chuyển nhượng và yêu cầu công ty mua lại có những điểm khác nhau.
Đối với giao dịch chuyển nhượng
– Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
– Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.
Đối với giao dịch yêu cầu công ty mua lại cổ phần
– Cổ đông quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình phải gửi yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
– Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
– Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu gây ra đối với công ty.
– Sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả các chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần mua lại
Hậu quả pháp lý của giao dịch
Hậu quả pháp lý của từng loại có điểm giống và khác nhau như sau:
Đối với giao dịch chuyển nhượng
Người nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.
Vốn điều lệ của công ty không đổi, số cổ phần nắm giữ, tỷ lệ sở hữu cổ phẩn của các cổ đông không đổi.
Đối với giao dịch yêu cầu công ty mua lại cổ phần
Cổ phần được mua lại được coi là cổ phần chưa bán (Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán). Công ty phải làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc chuyển nhượng cổ phần và yêu cầu công ty mua lại cổ phần LawKey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với LawKey để được tư vấn hoặc cung cấp dịch vụ làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần.