Thành lập doanh nghiệp hay đăng ký hộ kinh doanh

Thành lập doanh nghiệp hay đăng ký hộ kinh doanh ? So sánh khi ưu nhược điểm khi thành lập công ty và đăng ký hộ kinh doanh.

Trong nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa hiện nay, kinh doanh là nhu cầu của mọi cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên lựa chọn cho mình mô hình kinh doanh nào. Thành lập doanh nghiệp hay đăng ký hộ kinh doanh để phù hợp với điều kiện của mình là băn khoăn của rất nhiều người. Hộ kinh doanh, Doanh nghiệp có đặc điểm gì và khác nhau thế nào?

Khái quát hộ kinh doanh, doanh nghiệp

Theo Khoản 7 Điều 4 luật doanh nghiệp 2014: Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Theo Khoản 1 Điều 66 nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Chủ thể thành lập

Chủ thể thành lập doanh nghiệp và hộ kinh doanh có điểm giống và khác nhau.

Đối với doanh nghiệp

Chủ thể được phép thành lập Doanh nghiệp theo Quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 là các tổ chức, cá nhân, trừ các trường hợp sau:

–    Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

–    Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

–    Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

–    Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

–    Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

–    Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, quyền thành lập doanh nghiệp của cá nhân còn bị hạn chế theo quy định tại khoản 3 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014: “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh” và khoản 1 Điều 175 Luật Doanh nghiệp 2014: “Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”

Đối với hộ kinh doanh

Chủ thể thành lập hộ kinh doanh theo Quy định tại Điều 66, 67 nghị định 78/2015/NĐ-CP là cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ. Các cá nhân, hộ gia đình này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Các cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Như vậy, chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể là cá nhân hoặc tổ chức, còn chủ thể của hộ kinh doanh chỉ là cá nhân, một nhóm người hay một hộ gia đình.

Về quy mô và phạm vi hoạt động

Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động. Hộ kinh doanh chỉ được quyền kinh doanh một ngành, nghề như đã đăng ký và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Không giống như hộ kinh doanh, theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014, Doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành nghề kinh doanh; Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh. Doanh nghiệp được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh và các địa điểm kinh doanh trong quá trình hoạt động của mình ngoài trụ sở chính.

Về tư cách pháp nhân và con dấu 

Tư cách pháp nhân và con dấu đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng có nhiều điểm khác biệt.

Đối với doanh nghiệp

Các loại hình Doanh nghiệp hầu hết đều được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân, trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp, được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu (Quy định tại Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014).

Đối với hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.

Về quyền sử dụng con dấu: Hộ kinh doanh cũng có thể tự thiết kế, đặt in và sử dụng con dấu cho mình với điều kiện: đảm bảo con dấu được thiết kế và sử dụng không vi phạm quy định về con dấu, sử dụng con dấu của các đối tượng được quy định và điều chỉnh tại Nghị định 99/2016/NĐ-CP;  Không được gây nhầm lẫn  hoặc trùng với con dấu của các doanh nghiệp đã đăng ký và đăng tải trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia; Không vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ.

Xem thêm: Bàn về quyền sử dụng con dấu hộ kinh doanh 

Trước đây, Nghị định 58/2001/NĐ-CP quy định “Con dấu được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hội quần chúng, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (dưới đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) và một số chức danh nhà nước. Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Con dấu được quản lý theo quy định của Nghị định này”. Dấu tiêu đề, dấu ngày tháng, dấu tiếp nhận công văn, dấu chữ ký, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 58/2001/NĐ – CP. Bộ Công an thống nhất quy định các mẫu dấu, việc làm biểu tượng hoặc chữ nước ngoài trong hình dấu, việc làm và sử dụng con dấu thứ hai; đăng ký lưu chiểu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu quản lý hoạt động làm con dấu; kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của Nghị định này. Vì vậy, con dấu của các đối tượng sử dụng được Bộ công an quy định cụ thể về hình thức và nội dung con dấu tại Thông tư 08/2003/TT-BCA.

Tuy nhiên, Nghị định 58/2001/NĐ – CP đã được thay thế bằng Nghị định 99/2016/NĐ-CP. Theo Điều 1 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, tổ chức khác được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và chức danh nhà nước. Nghị định này cũng không điều chỉnh đối với việc quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp; dấu tiêu đề; dấu ngày, tháng, năm; dấu tiếp nhận công văn; dấu chữ ký. Như vậy, Nghị định 99/2016/NĐ-CP không còn giới hạn các đối tượng được phép sử dụng con dấu như trước đây. Các cá nhân, tổ chức không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 99/2016/NĐ-CP đều có quyền thiết kế và sử dụng con dấu theo nguyên tắc hiến định tại Điều 33 Hiến pháp 2013. “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”; Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3 BLDS 2015: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”; “Quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm” của thương nhân quy định tại Điều 6 Luật thương mại 2005.

Về cơ cấu tổ chức 

Cơ cấu tổ chức của hộ kinh doanh rất đơn giản, có chủ hộ và cách thành viên. Đối với doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức được pháp luật quy định chặt chẽ. Tùy vào loại hình và quy mô doanh nghiệp sẽ có loại hình tổ chức tương ứng. Ví dụ, bạn chọn mô hình là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, cơ cấu bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty.

Về giới hạn trách nhiệm

Đối với hộ gia đình

Cá nhân hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình đăng ký hoạt động hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp

Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà pháp luật quy định khác nhau. Nếu doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty Hợp danh thì chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp là Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần, thành viên góp vốn, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp, cổ phần đối với nghĩa vụ của Doanh nghiệp.

Quy định về cấp phép đăng ký thành lập  

Đối với doanh nghiệp: Doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.

Xem thêm: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp

Đối với Hộ kinh doanh: theo Điều 66 Nghị định 75/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện.

**Lưu ý: Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh sang loại hình doanh nghiệp. Muốn thực hiện thủ tục này, hộ kinh doanh phải tiến hành giải thể, sau đó tiến hành thủ tục thành lập Doanh nghiệp. Thực hiện việc chuyển đổi này, các cá nhân, hộ gia đình có nguy cơ cao không giữ được thương hiệu (tên gọi) đã tạo dựng trong quá trình  kinh doanh dưới hình thức Hộ kinh doanh. Do vậy, khi lựa chọn loại hình kinh doanh, các cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình cũng cần lưu ý vấn đề này.

Với các đặc điểm về Hộ kinh doanh, Doanh nghiệp mà đã phân tích ở trên, LawKey chúc quý khách hàng, quý bạn đọc lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô kinh doanh, chiến lược kinh doanh lâu dài của mình.

Trên đây là nội dung so sánh nên thành lập doanh nghiệp hay đăng ký hộ kinh doanh. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc còn vướng mắc, băn khoăn hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website để được giải đáp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button