Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xử lý như thế nào? Biện pháp khắc phục trong trường hợp này là gì? Sau đây LawKey sẽ giải đáp nội dung này.
1. Căn cứ xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Theo quy định: Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, do cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp kết luận hoặc quyết định.
2. Chủ thể có quyền yêu cầu
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh các tài liệu cần thiết như sau:
– Thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp về việc quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm.
– Bản sao hợp lệ văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp.
3. Biện pháp xử lý tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
3.1. Biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp
– Biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp chỉ được áp dụng khi doanh nghiệp vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, giấy tờ giao dịch hoặc không tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm theo thông báo của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc theo thỏa thuận của các bên.
– Khi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện một hoặc các biện pháp sau đây:
+ Đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp;
+ Thông báo bằng văn bản về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp gửi Phòng Đăng ký kinh doanh;
+ Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
– Việc đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3.2. Biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được áp dụng đối với doanh nghiệp vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền và doanh nghiệp vi phạm không gửi báo cáo giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp 2020 đến Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
Trên đây là nội dung bài viết Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.