Đối thoại đột xuất được hiểu như thế nào? Quy định của pháp luật về việc tổ chức đối thoại đột xuất tại nơi làm việc theo pháp luật hiện hành?
Đối thoại đột xuất là gì?
Xuất phát từ mục đích nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc, pháp luật xây dựng quy định về đối thoại tại nơi làm việc.
Đối thoại tại nơi làm việc có thể là đối thoại định kỳ hoặc đối thoại đột xuất. Trong đó, đối thoại đột xuất là cuộc đối thoại được thực hiện theo yêu cầu của một trong các bên hoặc đại diện của các bên trong quan hệ lao động nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, tránh xung đột dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tại doanh nghiệp.
Quy trình tổ chức đối thoại đột xuất
Đối thoạt đột xuất có thể được tiến hành theo yêu cầu của một trong các bên hoặc đại diện của các bên trong quan hệ lao động. Theo đó, người lao động hoặc người sử dụng lao động đều có quyền yêu cầu tổ chức đối thoại đột xuất. Hướng dẫn 1360/HD-TLĐ năm 2019 quy định cụ thể như sau:
Đối thoại theo yêu cầu từ phía người lao động hoặc công đoàn cơ sở
1. Người lao động, tập thể người lao động trực tiếp gửi yêu cầu đối thoại đến người sử dụng lao động, công đoàn cơ sở phải nhanh chóng tiến hành:
+ Thu thập thông tin, gặp gỡ người lao động hoặc tập thể người lao động để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn nội dung, quy trình tiến hành đối thoại theo quy định của pháp luật;
+ Theo dõi, giám sát quá trình đối thoại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động kịp thời trong trường hợp công đoàn cơ sở không tham gia đối thoại.
Tuy nhiên, Ban chấp hành công đoàn cơ sở nên hướng dẫn người lao động đồng ý để công đoàn cơ sở đại diện cho tập thể người lao động thực hiện đối thoại.
Đối thoại theo yêu cầu từ phía công đoàn cơ sở
2. Khi người lao động, tập thể người lao động yêu cầu công đoàn cơ sở công đoàn cơ sở đại diện đối thoại với người sử dụng lao động, công đoàn cơ sở phải:
+ Tập hợp nhanh ý kiến từ các tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, tổ, đội sản xuất, phòng, ban,… tại doanh nghiệp những vấn đề là nguyên nhân gây ra những bức xúc của người lao động, tập thể người lao động để tổng hợp, lựa chọn nội dung đề nghị người sử dụng lao động đối thoại;
+ Từ thực tiễn hoạt động công đoàn, ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể chủ động đề xuất việc đối thoại trên cơ sở lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động;
+ Thông báo cho người lao động, tập thể người lao động biết nội dung đề nghị đối thoại trong thời gian sớm nhất.
Đối thoại theo yêu cầu từ phía người sử dụng lao động
Sau khi tiếp nhận yêu cầu đối thoại, công đoàn cơ sở tổ chức họp, bàn bạc, thống nhất nội dung, quy trình, thành viên tham gia; nghiên cứu, phân tích các nội dung đưa ra đối thoại, chuẩn bị lập luận, đảm bảo những ý kiến đưa ra trong cuộc đối thoại có hiệu quả, thuyết phục, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động.
Quy trình, thủ tục, thời gian trả lời nội dung đối thoại thực hiện như đối với các cuộc đối thoại theo yêu cầu từ phía người lao động hoặc công đoàn cơ sở nêu trên.
Xem thêm: Một số vướng mắc khi xây dựng thang bảng lương của doanh nghiệp
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Quy định của pháp luật về việc tổ chức đối thoại đột xuất tại nơi làm việc ” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.